Việc xử phạt xe không chính chủ và đội mũ bảo hiểm rởm là hai nội dung gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Trong khi Bộ Công an thì cho rằng việc xử phạt này là cần thiết để thuận lợi cho quá trình điều tra các vụ án...còn Bộ Giao thông thì đánh giá "không phù hợp và thiếu cơ sở pháp lý".
Vì vậy trong dự thảo Nghị định lần thứ 6 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Giao thông để thay thế cho Nghị định 71,34... thì nội dung xử phạt xe không chính chủ và đội mũ bảo hiểm rởm đã được cắt bỏ, để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của người dân và trình lên Thủ tướng quyết định.
Theo Nghị định 71 hiện hành, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và một triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Quy định này khiến hàng trăm nghìn người lo lắng vì đang sử dụng xe không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp không thể tìm được chủ cũ...
Cũng theo dự thảo, với hành vi lạng lãnh đánh võng, chạy quá tốc độ, đuổi nhau trên đường bộ mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ có thể bị phạt tới 20 triệu đồng.
Cụ thể, trong khoản d điểm 7 của dự thảo sẽ tăng mức phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe hoặc chống người thi hành công vụ. Với nội dung này ở Nghị định 71, thì mức phạt chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định tăng mức phạt với các hành vi chạy quá tốc độ, đi ngược chiều trên được cao tốc và điều khiển xe máy mà trong người có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở...với những vi phạm này thể bị phạt từ 7 triệu đến 8 triệu đồng.
Một điểm mới nữa của dự thảo lần này là bổ sung chế tài xử phạt đối với chủ xe có phương tiện đang lưu hành nhưng không gắn hộp đen hoặc gắn nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng chuẩn theo quy định thay vì chỉ phạt lái xe như hiện nay.
Cụ thể, đối với lái xe, khi để xảy ra vi phạm trên sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 30 ngày; còn doanh nghiệp, tổ chức sẽ bị phạt từ 6-10 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động đối với phương tiện đó cho đến khi khắc phục xong vi phạm.